Ngày 28/12, UBND huyện Thanh Ba tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2022 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Tạ Tuấn Sơn - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị.

Năm 2022, huyện Thanh Ba có tổng diện tích gieo cấy cả năm là 5.155ha, trong đó vụ xuân trên 3.077ha, vụ mùa 2.078ha. Do thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây lúa nên năng suất lúa bình quân cả năm đạt 55,8tạ/ha, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 110 triệu đồng. Lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển, chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học được nhân rộng. Tổng đàn lợn 63.000 con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 18.500 tấn; đàn trâu bò 12.300 con, tổng diện tích ao thả nuôi 800ha....Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được chú trọng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; công tác giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm hơn, bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất có hiệu quả. Nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển, sản xuất nông nghiệp đi vào đầu tư thâm canh, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế và bàn các giải pháp để triển khai kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2023.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Tạ Tuấn Sơn - UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ, chú trọng chăm sóc cây màu; trồng cây màu vụ Đông và rau màu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, trong đó chú trọng bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa chất lượng cao vào sản xuất; Phát triển mạnh các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả…
Hải Minh