Sáng 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến 63 tỉnh, thành và các huyện, thành, thị trong cả nước. Dự tại điểm cầu huyện Thanh Ba có ông Nguyễn Kim Hải - UV BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCS XH huyện; Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc phòng Giao dịch NHCS XH huyện; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, các phòng, ban liên quan.
Hội nghị đã đánh giá tổng kết sau 20 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Với việc kết nối và hội tụ cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia công tác thực thi tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng CSXH đã phát huy sáng tạo vai trò là một công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Chính phủ nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận tín dụng chính sách về phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ 03 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, Ngân hàng CSXH đã có hơn 20 chương trình tín dụng được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự…
20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt quá ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 5,8 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ mua/thuê hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Những kết quả này góp phần chung tay cùng cả nước xây dựng trên 5.800 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có trên 800 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu, mẫu

Tại Huyện Thanh Ba sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội, … Trong 20 năm qua, từ vốn tín dụng chính sách triển khai qua Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba đã giúp hàng ngàn hộ vượt qua được khó khăn từng bước mở rộng quy mô sản xuất, ổn định cuộc sống, thu hút tạo việc làm hàng nghìn lao động. Đến nay, Phòng giao dịch NHCS XH huyện đang triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tổng dư nợ đến hết tháng 5/2022 đạt 411.381 triệu đồng với 10.972 khách hàng đang vay vốn, trong đó có 1.599 hộ vay.
Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong thời gian tới, bên cạnh những nhiệm vụ, định hướng của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã đề ra thì cần tập trung bám sát định hướng, chiến lược trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; bám sát kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng thời kỳ, chỉ đạo định hướng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, kinh doanh, dịch vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn cao nhất; Bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện để hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; UBND các xã chú trọng có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở địa phương mình…