Năm 2020 là một năm vượt khó của nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh nói riêng. Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CN, tiểu thủ công nghiệp.Tuy nhiên, huyện Thanh Ba đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn,góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Huyện Thanh Ba hiện có 56 doanh nghiệp và trên 1.200 cơ sở sản xuất, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, trong đó có trên 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất công nghiệp, chủ yếu trên các lĩnh vực: vải bạt PP, PE; linh kiện điện tử; hàng may mặc, chè khô,... được xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ, HànQuốc, Tây Á, Trung Quốc... Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Thanh Ba đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, chủ động tìm hướng đi và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại và từng bước đưa việc sản xuất kinh doanh trở lại guồng quay vốn có. Ông Nguyễn Khắc Hiếu - Giám đốc CTy TNHH MTV Chí Hưng, huyện Thanh Ba cho biết: “Trong năm 2020, chúng tôi đã đạt 100% KH sản xuất đề ra và đảm bảo công ăn, việc làm cho công nhân lao động, không phải nghỉ việc luân phiên”.


Cùng với những tác động kịp thời về chính sách của Chính phủ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, của huyện, các doanh nghiệp đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn; đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều doanh nghiệp vẫn được duy trì và phát triển, góp phần giúp sản xuất công nghiệp của Thanh Ba chuyển mình trong những tháng cuối năm. Chị Nguyễn Thị Minh Lý - Công nhân Cty TNHH May Phú Cườngcho biết: “Do dịch bệnh Covid, không có hàng xuất khẩu để may nhưng Giám đốc công ty đã nhanh chóng chuyển hướng sang hàng nội địa để bán trong nước.Sau đó công ty nhanh chóng đi vào hoạt động trở lại những tháng cuối năm. Lương hiện giờ của chúng tôi đảm bảo từ 5 - 6 triệu đồng/ người/ tháng”.
Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng trên địa bàn huyện thực hiện đạt trên 1.059tỷ đồng; tăng 10,8%so với cùng kỳ và vượt gần 1% so với KH. Các cụm công nghiệp của huyện tiếp tục được mở rộng, lấp đầy và đi vào hoạt động. Đứng trước những khó khăn của nền kinh tế, hàng loạt các biện pháp đã được huyện Thanh Ba triển khai, giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Trung Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết: “UBND huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện cải cách, cắt giảm các thủ tục không cần thiết giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất, nhanh nhất . Kêu gọi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm CN tập trung đầu tư phát triển SXKD trên địa bàn đồng thời tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh”.
Sự tích cực vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của các cấp chính quyền, ngành chức năng, sự đồng thuận, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp đã giúp huyện Thanh Ba vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 202o với kết quả cao nhất. Đây cũng là tiền đề , động lực để huyện tiếp tục thực hiện các mục tiêu chung về phát triển KT-XH năm 2021 cũng như nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 đề ra./.
Hải Minh - Đài Truyền thanh Thanh Ba