thanhba.phutho.gov.vn - Những năm qua, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới hoạt động giám sát, đi vào những vấn đề cụ thể, còn nhiều bức xúc trong đời sống, xã hội, qua đó giúp các cấp chính quyền kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, góp phần xây dựng một số chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương; tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát tại Trường Trung cấp kỹ thuật - Nghiệp vụ Sông Hồng.
Để nâng cao chất lượng giám sát, HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát; chủ động gửi đề cương, lịch giám sát đến cơ quan, đơn vị được giám sát để xây dựng báo cáo, chuẩn bị các điều kiện để đoàn giám sát làm việc theo yêu cầu đặt ra. Bên cạnh việc giám sát thường xuyên thông qua xem xét báo cáo công tác của UBND tỉnh, các ngành, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tăng cường giám sát chuyên đề những nội dung, vấn đề cấp thiết mà cử tri quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Dương Hoàng Hương, chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 117 cuộc giám sát trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đây đều là những nội dung, vấn đề cấp thiết, cử tri quan tâm như: Tình hình, kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHTN cho người lao động; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sắp xếp, sáp nhập khu dân cư; tình hình, kết quả thực hiện một số chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay; kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản...
Trong giám sát chuyên đề, Thường trực, các Ban của HĐND luôn phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ, các đơn vị xã, phường và đại biểu HĐND ứng cử tại các khu vực bầu cử khi Đoàn về làm việc. Sau mỗi đợt giám sát đều có báo cáo, thông báo kết luận giám sát gửi UBND, Ủy ban MTTQ, bộ phận chuyên môn của tỉnh, của địa phương và đơn vị được giám sát; đồng thời kiến nghị xử lý những vướng mắc trong công tác chỉ đạo điều hành.
Ngoài các cuộc giám sát chuyên đề, các ban của HĐND tỉnh đều duy trì hoạt động giám sát thường xuyên không báo trước, nhất là giám sát việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh còn hiệu lực… Trong quá trình giám sát đã tiến hành các hoạt động khảo sát, kiểm tra thực tế tại cơ sở, tổ chức tham vấn lấy ý kiến nhân dân để phục vụ nội dung giám sát. Đặc biệt, hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND là một chế định mới trong hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện giám sát của tổ đại biểu HĐND. Qua đó, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu được thực hiện bài bản, đạt kết quả tốt…
Thông qua hoạt động giám sát, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên một số lĩnh vực đã được các đoàn giám sát phát hiện và kiến nghị kịp thời với UBND, các cơ quan, đơn vị xem xét, tập trung giải quyết, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đơn cử như sau cuộc giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng thể các cơ sở đào tạo nghề từ đó làm cơ sở để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp đào tạo của tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh hoặc phối hợp không chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng và ý nghĩa của việc đào tạo…
Việc giám sát bằng hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được tăng cường, thời gian chất vấn được bố trí thỏa đáng (có kỳ họp HĐND tỉnh dành hẳn 1-2 ngày cho phiên chất vấn, giải trình). Nội dung chất vấn tập trung, có trọng tâm, được cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với tình hình thực tế phát triển của từng địa bàn để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể như: Công tác đào tạo nghề; giải ngân vốn đầu tư công; công tác GPMB, quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý thu ngân sách, chống thất thu ngân sách… Các câu hỏi đi sâu vào vấn đề chất vấn và làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn. Điều này cho thấy HĐND tỉnh nghiêm túc thực hiện chức năng nhiệm vụ, không né tránh các vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội. Những vấn đề bức xúc từ cuộc sống đã được nhiều đại biểu HĐND đưa vào chương trình nghị sự để đi sâu phân tích, giải quyết, khắc phục tình trạng chỉ một vài đại biểu chất vấn.
Đặc biệt, việc trả lời của các cơ quan chức năng rất nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, thái độ cầu thị, tạo nên không khí dân chủ, mang tính xây dựng cao, hướng tới đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và đời sống thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận yêu cầu UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương liên quan giải quyết những vấn đề được đại biểu nêu tại phiên chất vấn nhưng chưa được trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng, làm cơ sở để đôn đốc, giám sát việc thực hiện, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước cử tri và nhân dân.
Những kết quả đạt được trong công tác giám sát của HĐND tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trên nhiều lĩnh vực, thể hiện vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa HĐND và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.