CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC DẠY VÀ HỌC GÓP PHẦN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP MỚI
  • Cập nhật: 22/11/2021
  • Lượt xem: 3786 lượt xem

Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo chuyên môn sâu sát của Phòng GD&ĐT Thanh Ba, cùng với các trường học trong toàn huyện, trường THCS Thanh Hà đã chủ động đề ra các phương án dạy học để thích ứng với tình hình mới, vừa tận dụng tối đa “thời gian vàng” dạy học trực tiếp, vừa linh hoạt xây dựng các kịch bản, hướng dẫn học sinh tiếp cận phương thức học tập trực tuyến để sẵn sàng ứng phó nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã tích cực tự học, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.


Năm 2021, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được phát động  với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công một xã hội học tập mới” nhằm động viên khích lệ, nhắc nhở mọi người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại 4.0. Đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang phải đối mặt với đại dịch covid 19, việc khai thác, phát huy tối đa ưu thế của công nghệ số để chuyển đổi hình thức học tập tạo cơ hội cho mỗi người tiếp cận, thích ứng với nhiều phương pháp học tập mới trên internet nhằm phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, học tập mọi nơi, mọi lúc của người dân, đặc biệt là đối với các em học sinh. Bởi vậy, việc chuyển đổi phương thức dạy và học là nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho giáo viên trong việc xác định các phương pháp dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao, gây hứng thú cho học sinh. Giáo viên vừa phải sử dụng các phương pháp, hình thức dạy học trực tiếp, vừa phải linh hoạt sáng tạo chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến để đáp ứng với việc thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trước đây, việc dạy học theo phương thức truyền thống thường được tiến hành theo mô hình trường lớp. Giáo viên và học sinh thực hiện các hoạt động dạy và học trực tiếp. Một vài năm trở lại đây, ngoài hình thức dạy học truyền thống đó, việc dạy học đã được dần chuyển đổi, hình thức dạy học gián tiếp qua các phương tiện truyền thông xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến.

Để hoạt động này có hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của giáo viên, học sinh và các bậc cha mẹ học sinh. Trước hết, cả người dạy và người học cần được trang bị đường truyền internet ổn định và những thiết bị công nghệ phù hợp, bao gồm: máy tính, điện thoại, phần mềm dạy học trực tuyến và các trang bị hỗ trợ như: webcam ghi hình, tai nghe, microphone... Giáo viên cần lựa chọn phần mềm ứng dụng phù hợp. Phổ biến nhất hiện nay là các phần mềm Zoom, Google Meet, K12Online, MicrosoftTeams. Giáo viên cần nắm vững cách sử dụng các phần mềm trực tuyến, chuẩn bị trước các tài liệu giảng dạy cần thiết, bao gồm: bản PDF, bản Word hoặc ảnh tài liệu, có thể gửi bài tập về nhà vào trong nhóm chat online. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập để khi học con sẽ không lúng túng, mất thời gian tìm kiếm đồ, gây mất tập trung khi học. Các em phải chủ động xem lại bài cũ nội dung bài mới thì mới có thể nắm chắc, hiểu sâu và nhớkiến thức hơn. Cha mẹ học sinh cần chuẩn bị cho con không gian học yên tĩnh, thoải mái, tạo điều kiện tốt nhất cho con học như giảm nhỏ âm lượng tivi, loa đài, không nói chuyện, trao đổi việc riêng.  

 Sau khâu chuẩn bị, giáo viên cần phải xây dựng kế hoạch bài giảng sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Đầu tiên, giáo viên cần xác định mục tiêu bài học một cách rõ ràng, mức độ tối thiểu học sinh hiểu được bài học là bao nhiêu, từ đó lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp. Học online khiến học sinh khó tiếp thu hơn so với dạy học trực tiếp nên bài giảng của giáo viên cần tinh gọn, sinh động và sáng tạo, giảm tải lí thuyết. Cần có sự tương tác thường xuyên giữa giáo viên và học sinh để không khí giờ học sôi nổi, tránh hiện tượng học sinh làm việc riêng hoặc không tập trung chú ý vào bài học. Khi học online, học sinh dễ bỏ sót thông tin bài giảng do đường truyền không ổn định hoặc bị giới hạn về thời gian. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên đặt chế độ ghi âm, lưu lại bài giảng để gửi học sinh bất cứ lúc nào hoặc có thể dùng làm tư liệu cho khóa học sau.

Việc đánh giá kết quả của học sinh cũng được xem là một trong những bước quan trọng. Từ khâu đánh giá này, giáo viên có thể rút ra được phương pháp dạy của mình có phù hợp không, người học có thật sự ham học, ý thức và tự giác không. Hình thức đánh giá cũng cần được đổi mới đa dạng: đánh giá qua hồ sơ học tập, bài thuyết trình, video; kết hợp sự đánh giá của giáo viên và tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ, của cộng đồng...


Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo chuyên môn sâu sát của Phòng GD&ĐT Thanh Ba, cùng với các trường học trong toàn huyện, trường THCS Thanh Hà đã chủ động đề ra các phương án dạy học để thích ứng với tình hình mới, vừa tận dụng tối đa “thời gian vàng” dạy học trực tiếp, vừa linh hoạt xây dựng các kịch bản, hướng dẫn học sinh tiếp cận phương thức học tập trực tuyến để sẵn sàng ứng phó nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã tích cực tự học, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.  

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Việc học tập là một quyển vở không có trang cuối”. Việc học tập thường xuyên, suốt đời là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Có thể còn sớm để khẳng định dạy và học trực tuyến là xu thế tất yếu nhưng vẫn nên xem đây là một phương pháp cần thiết, quan trọng, ít nhiều có tính tiết kiệm, và có tính khả thi cao trong bối cảnh giáo dục hiện nay, kể cả không có dịch Covid-19. Nhưng để hoạt động này thực sự có chất lượng, hiệu quả, cần có sự thay đổi dần, thích nghi dần; cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cấp quản lí giáo dục, vai trò tích cực của giáo viên, sự tham gia nhiệt tình của học sinh cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của cha mẹ học sinh và cả cộng đồng. Đây cũng là một điều kiện quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức dạy và học góp phần xây dựng thành công xã hội học tập mới./.

Nguyễn Thị Hường - TT KHXH – Trường THCS Thanh Hà