Hiện nay, trên các trà lúa xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh và đứng cái, cây lúa sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 3 đến nay, trời âm u, ít nắng có mưa nhỏ kéo dài, ấm và ẩm độ không khí cao là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại.

Theo kết quả điều tra của trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ngày 28 - 29/3/2022, trên đồng ruộng bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại; Tỷ lệ bệnh phổ biến 0,8 - 1%, cao 2- 4 %, cục bộ 6- 8 % lá bị hại; tổng diện tích nhiễm 48,4 ha, các xã bị hại: Hanh Cù, Khải Xuân, Mạn Lạn, Lương Lỗ, Quảng Yên, Thanh Hà, Hoàng Cương,... bệnh lây nhiễm và gây hại chủ yếu trên giống lúa: J02, lai Trung Quốc, TBR 225,... Dự báo thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh lây lan và có khả năng gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ trên các giống mẫn cảm nếu không phòng trừ kịp thời. Để giúp bà con nhận biết và phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn, Trạm Trồng trọt và BVTV Thanh Ba khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật sau:
Bà con cần thường xuyên kiểm tra thăm đồng, nếu phát hiện thấy ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá với các biểu hiện cụ thể: Vết bệnh ban đầu là những vết dầu nhỏ màu xanh, dần dần phát triển thành vết có hình thoi, rìa màu nâu đỏ, giữa bạc trắng; Các vết bệnh này có thể liên kết với nhau thành các mảng lớn hình thù không rõ rệt, bị nặng có thể gây cháy khô toàn bộ lá, cần dừng bón các loại phân hóa học (nhất là đạm), đồng thờicần phòng trừ ngay bằng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng, ví dụ như:Babalu 40 WP ( Ba ba lu 40 WP), Grandgold 510 WP (Gờ ran gôn 510 WP), Fu-army 30WP (phu a my 30WP), 40EC, Katana 20SC (Ca ta na 20 SC), Ban kan 600WP, Nativo 750WG (Na ti vô 750WP),.... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. Nếu ruộng bị nặng cần phải phun kép (2 lần) lần 1 cách lần 2 từ 5 - 7 ngày.
Trạm TT&BVTV Thanh Ba