Thanh Ba tham gia Hội nghị trực tuyến chuyên đề về đầu tư, xây dựng năm 2022
  • Cập nhật: 14/09/2022
  • Lượt xem: 1793 lượt xem

Ngày 14/9, đồng chí Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị hành chính chuyên đề về đầu tư, xây dựng 9 tháng năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu của tỉnh đến 13 huyện, thành, thị trong tỉnh. Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu huyện Thanh Ba có đồng chí Nguyễn Kim Chi - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Chí Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.


Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, công tác triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công ở cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai kịp thời, đúng quy định.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, có 233 dự án sử dụng vốn đầu tư công được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 3.290 tỉ đồng. Phú Thọ là tỉnh có tỷ lệ giải ngân thuộc tốp đầu cả nước với giá trị giải ngân 3.420 tỉ đồng, đạt gần 59% vốn đã giao (trung bình cả nước đạt 35,5%).

Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, hiện có trên 1.200 dự án của các nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, có 1.031 dự án của các nhà đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 74.465 tỉ đồng; 183 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 2.485 triệu USD. Tiến độ thực hiện các dự án có sự chuyển biến, số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động chiếm gần 64%.

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng được chú trọng. Tất cả các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn (13/13 đô thị) đã có quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.


Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng; những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác vận động giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phân cấp Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh các cấp, các ngành, các chủ đầu tư phải xác định rõ quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu ở mức cao nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công theo kế hoạch; theo dõi chặt chẽ về tiến độ đầu tư, giải ngân, hàng tháng công khai tỉ lệ giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát việc giải ngân của các dự án, trước 30/10 báo cáo đề xuất thu hồi vốn với những dự án không giải ngân, không triển khai được. Cần rà soát tiến độ của từng dự án cụ thể, xác định mốc thời gian hoàn thành để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; vận dụng linh hoạt các chính sách trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, cần tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; chú trọng xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình phương án điều chỉnh đơn giá bồi thường, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất nông nghiệp, phương pháp tính toán bồi thường nhà ở, công trình vật kiến trúc, cây trồng... để các cấp có thẩm quyền thông qua và sớm triển khai thực hiện.


Các sở, ngành liên quan rà soát Kế hoạch đầu tư công 5 năm của các huyện, thành, thị để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, tránh bố trí vốn dàn trải. Xây dựng Kế hoạch vốn năm 2023 theo thứ tự ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các công trình chuyển tiếp, các công trình khởi công mới.

Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, những dự án này trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh, do vậy, các ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc hơn nữa, hỗ trợ các thủ tục đầu tư, quan tâm tháo gỡ khó khăn, nhất là trong vấn đề giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các dự án.


Tại huyện Thanh Ba, tổng số kinh phí được phân bổ tính đến ngày 12/9 là 312 tỷ 837 triệu đồng, trong đó đã giải ngân 160 tỷ đồng bằng 51,3% KH; còn nợ trên 100 tỷ đồng tại 110 dự án. Hiện nay, các dự án đang được triển khai thực hiện và bố trí nguồn vốn giải ngân theo đúng kế hoạch phê duyệt, không có dự án chậm giải ngân.



Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, ngay sau HN trực tuyến, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Kim Chi đề nghị: Lãnh đạo UBND huyện phải tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, bảo đảm phù hợp với nhu cầu, tiến độ thực hiện của dự án. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện phân công rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm. Trước mắt cần kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng cán bộ, viên chức, người lao động của Văn phòng Đăng ký và phát triển quỹ đất huyện để phát huy tối đa hiệu quả bộ máy làm việc. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai GPMB các dự án; phân loại rõ nhóm đối tượng để có hướng chỉ đạo và biện pháp tuyên truyền vận động phù hợp, hiệu quả./.

 

Hải Minh