Thực hiện Thông báo số 07/TB-HĐND ngày 31/12/2021 của Thường trực HĐND huyện về Kết luận phiên giải trình, chất vấn của Chủ tọa kỳ họp thứ Ba, HĐND huyện khóa XX nhiệm kỳ 2021 - 2026; UBND huyện xin báo cáo kết quả thực hiện như sau:
I. VỀ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường đảm bảo phát huy thế mạnh của địa phương. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm. Nghiên cứu các biện pháp để quảng bá rộng rãi nông sản của huyện ra thị trường như tham gia các hội chợ OCOP, lập trang fanpage trên các mạng xã hội…
UBND huyện đã chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả những định hướng, chỉ đạo về phát triển nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh; chủ động phối hợp, trao đổi với sở NN & PTNT và các đơn vị trực thuộc sở để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ nông sản trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Phát triển mạnh thương hiệu các sản phẩm hiện có, tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cho một số sản phẩm chủ lực. Đến nay, huyện đã có 11 sản phẩm OCOP, trong 6 tháng đầu năm 2022 dự kiến sẽ đăng ký nhãn hiệu cho 02 sản phẩm gồm rau củ quả Thanh Hà và chè Đồng Xuân.
2. Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm ổ dịch bệnh Tả lợn Châu Phi tại xã Mạn Lạn. UBND các xã, thị trấn rà soát, kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo, chủ động bố trí kinh phí để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân tự giác khai báo, tố giác các hành vi giấu dịch, đồng thời thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng NN&PTNT cùng các cơ quan khối nông nghiệp và UBND xã xử lý dứt điểm ổ dịch bệnh tả lợn Châu phi tại xã Mạn Lạn. Đồng thời rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn lợn đến tận hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, chỉ đạo xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các qui định của pháp luật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học Qua đó dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, chăn nuôi lợn tiếp tục phát triển khá, đảm bảo ổn định nguồn cung trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
3. Chỉ đạo phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm ủ phân hữu cơ thay thế phân bón vô cơ, vừa an toàn, thân thiện với môi trường vừa giảm chi phí sản xuất. Hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kĩ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn như VIETGAP, ICM, SRI.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng NN&PTNT, Trạm khuyến nông và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp sản xuất, tự ủ phân bón hữu cơ tại chỗ, tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản … ủ phân compost thành phân hữu cơ thay thế phân bón vô cơ để bón cho cây trồng nhằm giảm chi phí sản xuất. Toàn huyện hiện có trên 1.300 ha chè, 25 ha rau được chứng nhận an toàn theo các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và khoảng 50 ha bưởi sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (GAP) đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, giảm tối đa phân bón vô cơ, tăng sử dụng phân bón hữu cơ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
4. Chỉ đạo và giám sát công ty H2 thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ.
Ngày 25/02/2022, tại trụ sở UBND huyện Thanh Ba, lãnh đạo UBND huyện Thanh Ba và các phòng NN&PTNT, KT&HT, TN&MT đã có buổi làm việc với công ty CP KH&CN Nông nghiệp H2. Đến nay, công ty CP KH&CN Nông nghiệp H2 mới chỉ hoàn thành đúng cam kết phần nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Đối với các nội dung về: hoàn thiện và thực hiện các thủ tục về cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, PCCC, thủ tục đầu tư giảm quy mô dự án 25ha và việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc với người dân bị ảnh huởng trong quá trình thực hiện dự án tại 3 xã: Khải Xuân, Võ Lao, Đông Thành nhà đầu tư đều chưa thực hiện đúng cam kết. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn nắm bắt, giám sát tiến độ thực hiện dự án và tham mưu báo cáo Sở Kế hoạch và đầu tư có biện pháp xử lý theo quy định nếu nhà đầu tư tiếp tục không thực hiện đúng các cam kết đã đề ra.
II. VỀ GIAO THÔNG VÀ HẠ TẦNG
1. Nhanh chóng làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu thi công để thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai xây dựng lưới điện TBA Tiên Phú 7 trên địa bàn xã Khải Xuân.
UBND huyện đã chỉ đạo Điện lực Thanh Ba phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND xã Khải Xuân và các hộ dân làm việc, thống kê đất, cây cối hoa màu ảnh hưởng do xây dựng công trình. Tính toán ra giá trị ảnh hưởng theo khung giá Nhà nước quy định và chi trả tiền cho các hộ dân xong trong quý I năm 2022, các hộ dân đồng thuận và nhận đủ tiền theo giá trị, ký đầy đủ các hồ sơ liên quan theo quy định.
2. Yêu cầu Hợp tác xã điện năng Chí Tiên xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình Sở Công thương thẩm định. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra, lấy ý kiến khách hàng về dịch vụ để đánh giá kết quả hoạt động của Hợp tác xã điện năng Chí Tiên, báo cáo Sở Công Thương để có phương án xử lý. Nếu không đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì phải tự nguyện ban giao cho ngành điện quản lý trong năm 2022.
UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Chí Tiên, HTX dịch vụ điện năng thực hiện bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn sang cho ngành điện quản lý theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại văn bản số 3159/UBND-KTN ngày 26/7/2021; Đồng thời, xin ý kiến Sở Công thương, Sở Tài chính và Công ty Điện lực Phú Thọ về kế hoạch đầu tư, sản xuất điện 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Sau ý có ý kiến bằng văn bản của các Sở và cơ quan liên quan, UBND huyện đã ban hành văn bảo số 593/UBND-KT&HT ngày 29/4/2022 về việc đồng ý thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của HTX dịch vụ điện năng xã Chí Tiên, trong đó nêu rõ giao phòng Kinh tế & Hạ tầng và UBND xã Chí Tiên thực hiện việc ký cam kết, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch.
3. Yêu cầu UBND xã Thanh Hà, Đỗ Sơn, Sơn Cương kiểm tra, có biên bản làm việc yêu cầu các chủ lò gạch không được tập kết vật liệu để sản xuất gạch, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và văn bản chỉ đạo của UBND huyện về chấm dứt hoạt động đối với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch xong trong quý I/2022. Phối hợp Công an huyện xử lý các chủ lò gạch cố tình vi phạm. UBND huyện xây dựng phương án xử phạt, cưỡng chế theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các phòng, UBND các xã thực hiện kiểm tra, chấm dứt hoạt động của lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và sản xuất gạch đất sét. Đến nay, 06 lò gạch (gồm: lò gạch của ông Trịnh Xuân Hùng và ông Chu Văn Thuần xã Thanh Hà; ông Chu Quang Lộc và ông Nguyễn Văn Mưu xã Sơn Cương, bà Bùi Thị Minh và ông Đặng Đăng Đắc xã Đỗ Sơn) đã ngừng hoạt động.
III. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG, BỒI THƯỜNG HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ VÀ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
1. Chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với phòng TC&KH tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện đã quá hạn theo Quyết định đầu tư, báo cáo Sở Kế hoạch & Đầu tư và UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết.
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và MT đã phối hợp với Phòng Tài chính KH, rà soát các dự án và báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn huyện và gửi báo cáo về Sở Kế hoạch đầu tư, cụ thể:
Tổng số dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn huyện (từ 2006 đến nay) là 75 dự án. Trong đó: Số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động là 34 dự án với tổng vốn đầu tư là: 3.138,2 tỷ đồng; Số dự án không hoạt động là 02 dự án với tổng vốn đầu tư là 44,7 tỷ đồng; Số dự án đang tiến hành theo tiến độ là: 29 dự án với tổng vốn đầu tư là: 3318,3 tỷ đồng; Số dự án chậm tiến độ là 8 dự án, tổng vốn đầu tư là: 203,3 tỷ đồng.
Cụ thể:
* 2 dự án dừng hoạt động: Xây dựng nhà máy chế biến nông lâm sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Công ty TNHH Thanh Phát tại xã Thanh Hà và Dự án: Đầu tư trồng sả, bạch đàn chanh và chưng cất tinh dầu của Công ty CP Đầu tư và phát triển Tiên Phú tại xã Đông Thành (Chủ trương đầu tư dự án hoàn thành quý năm 2010) tuy nhiên UBND huyện Thanh Ba không liên lạc được với chủ đầu tư và đã có văn bản đề nghị thu hồi dự án.
* 8 Dự án chậm tiến độ, gồm: Cửa hàng xăng dầu Đỗ Xuyên của công ty TNHH Thương mại Việt Linh tại xã Đỗ Xuyên (chậm 42 tháng); Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng nhà kho, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của công ty TNHH Hương Linh tại khu 3, thị trấn Thanh Ba (chậm 21 tháng); Dự án Trụ sở làm việc của Hợp tác xã chăn nuôi Đỗ Sơn tại khu 5, xã Đỗ Sơn (chậm 19 tháng); Khu Nông nghiệp CNC H2 của công ty CP khoa học và công nghệ nông nghiệp H2 tại xã Đông Thành (18 tháng); Cửa hàng trưng bày và sửa chữa ô tô Quang Vương của công ty TNHH ô tô Quang Vương tại xã Đông Thành (chậm 18 tháng); Trạm trộn bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông và kinh doanh vật liệu xây dựng của công ty TNHH Hoàng Hương Phú Thọ tại khu 16, xã Đông Thành (chậm 18 tháng); Siêu thị điện máy, trung tâm bán buôn, bán lẻ tiện ích và dịch vụ tổng hợp Việt Bắc của công ty TNHH vật tư phụ tùng Việt Bắc tại khu 3, xã Đông Thành (chậm 9 tháng); Cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ tổng hợp của công ty TNHH xây dựng và thương mại Nguyên Đức tại xã Quảng Yên (chậm 8 tháng).
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và MT đã phối hợp với Phòng Tài chính KH, kiểm tra, làm việc với các chủ đầu tư, xác định nguyên nhân chậm tiến độ các dự án thời gian qua chủ yếu do gặp khó khăn về tài chính do tình hình dịch bệnh covits ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh; Một số dự án đã đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục cấp phép xây dựng, giấy phép về môi trường nên chưa được nghiệm thu, hoàn thành; một số dự án vướng mắc về đất đai, do không thoả thuận được với các hộ dân về giá chuyển nhượng.
UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án cam kết thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án theo quy định và đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào hoạt động. Nếu quá thời gian cam kết, UBND huyện Thanh Ba đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư thu hồi dự án.
Ngày 30 tháng 3 năm 2022, UBND huyện đã gửi Văn bản số 421/UBND-TC, báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn huyện năm 2022, có đề xuất giải pháp cụ thể đối với từng dự án với Sở Kế hoạch và đầu tư. Đề xuất thu hồi 01 dự án, hiện nay, Sở Kế hoạch đầu tư đã có văn bản đồng ý cho dừng đối với dự án Cửa hàng xăng dầu Đỗ Xuyên của công ty TNHH Thương mại Việt Linh tại xã Đỗ Xuyên.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB với các đoàn thể chính trị và cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Hội đồng BTGPMB,HT&TĐC huyện đã và đang triển khai thực hiện công tác BTGPMB đối với 23 dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 235 ha; trong đó có 09 dự án chuyển tiếp từ năm 2021; 14 dự án thực hiện triển khai từ đầu năm 2022. Đến nay đã hoàn thành công tác BTGPMB đối với 05 dự án: Chợ Đồng Xuân; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Phú Thọ; Khu dân cư Đồng Uẩn, xã Ninh Dân; Trường bắn trinh sát-Trinh sát đặc nhiệm tiểu đoàn 20/Bộ tham mưu Quân khu 2, tại xã Võ Lao; Khu tái định cư dự án Trường bắn trinh sát. Các dự án đang triển khai thực hiện: Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Tuyến đường kết nối từ km 30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đi trung tâm huyện; Tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện Thanh Ba đi Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành qua đường tỉnh 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Khu nhà ở đô thị Thanh Ba tại thị trấn Thanh Ba và xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba; Khu nhà ở đô thị Thanh Ba tại thị trấn Thanh Ba và phía Tây Bắc thị trấn Thanh Ba; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Đỗ Sơn; Cụm công nghiệp Bãi Ba 2; Cụm công nghiệp làng nghề phía Nam xã Đỗ Sơn; Các dự án điện...
Quá trình triển khai thực hiện công tác BTGPMB thực hiện các dự án gặp phải một số khó khăn, vướng mắc: một số ban ngành, đoàn thể chưa chủ động trong việc vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân nên chưa đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân, dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí kéo dài nhiều năm. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác BTGPMB chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời, đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn chậm điều chỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nơi gặp không ít khó khăn do sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế; có sự so sánh về chính sách và giá đền bù giữa người được áp dụng theo thời điểm đã ban hành chính sách cũ với người đang được thực hiện chính sách mới cũng làm nảy sinh nhiều phức tạp.
Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo Hội đồng BTGPMB,HT&TĐC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách về BTGPMB để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, khắc phục tình trạng xây dựng trái phép, phát sinh tài sản mới trên đất trong phạm vi thực hiện dự án nhằm trục lợi từ BTGPMB sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Thanh Ba.
3. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê, báo cáo thực trạng quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn và UBND huyện báo cáo Thường trực Huyện ủy biết và chỉ đạo.
UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã rà soát, tổng hợp báo cáo thực trạng quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn huyện, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng quỹ đất công ích còn tồn tại như sau:
- Nhiều chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý quỹ đất công ích. Hầu hết chưa thống kê chính xác số liệu diện tích, không tách được đất công ích trong tổng diện tích đất công do UBND xã quản lý, không xác định được hết vị trí các thửa đất công ích,… vì vậy qua các lần báo cáo số liệu không trùng khớp nhau.
- Hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lý quỹ đất công không đảm bảo, không có sổ giao khoán, sổ theo dõi đất công ích,… dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, nhất là công tác giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất. Tình trạng đất công ích bị lấn, chiếm xảy ra ở nhiều cơ sở chưa được xử lý theo quy định.
- Việc ký hợp đồng thuê đất công ích và nghĩa vụ về tài chính tại một số xã chưa đảm bảo theo quy định gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, lãng phí tài nguyên.
Trước thực trạng còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích như trên, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực trạng, công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích tại các xã trên địa bàn huyện (QĐ số 1037/QĐ-UBND, ngày 12/5/2022, của UBND huyện Thanh Ba).
- Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các xã, thị trấn. Tuy nhiên, Việc rà soát quỹ đất công ích gặp nhiều khó khăn do: hệ thống hồ sơ địa chính như sổ mục kê, bản đồ địa chính chính quy 299 từ năm 1990, 1999, 2000 của các xã, thị trấn có nhiều thay đổi, quá trình thực hiện các dự án thu hồi đất trước năm 2015 không cập nhật, chỉnh lý vào hồ sơ địa chính. Sổ giao khoán cho các hộ dân sử dụng quỹ đất công hiện nay không còn lưu trữ. Bên cạnh đó, việc đồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai của các xã, thị trấn đã làm thay đổi hầu hết hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp dẫn đến việc xác định rõ vị trí, diện tích, quá trình quản lý, sử dụng của từng thửa đất công ích gặp rất nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian rà soát.
- Tới ngày 20/7/2022, có 15/19 xã nộp báo cáo kết quả rà soát tới từng thửa đất, còn 4 xã (Hoàng Cương, Mạn Lạn, Quảng Yên, Khải Xuân) là các xã ghép, diện tích rộng và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn xã nên mặc dù đã triển khai rà soát nhưng không kịp tiến độ nên UBND xã đã có văn bản đề nghị xin gia hạn rà soát, báo cáo; có 3 xã (Đại An, Đông Lĩnh và Lương Lỗ) số liệu chưa chưa chính xác, chưa thống kê đến từng hộ, từng ô, từng thửa, đoàn kiểm tra đã yêu cầu tiếp tục rà soát, kiểm tra lại. Sơ bộ kết quả kiểm tra hiện nay như sau:
Quỹ đất nông nghiệp do UBND xã, thị trấn quản lý
Tổng số thửa đất nông nghiệp trên sổ mục kê ghi chủ sử dụng là UBND cấp xã là 9.423 thửa, với diện tích 1.032,6ha, trong đó: Đất công ích do UBND xã, thị trấn quản lý: Tổng số thửa đất công ích: 3.141 thửa, diện tích 294,1 ha, trong đó:
- Đất trồng lúa (LUC): số thửa 1.982, diện tích 76,5 ha;
- Đất trồng cây hàng năm (BHK): số thửa 659, diện tích 45,5 ha;
- Đất trồng cây lâu năm (CLN): số thửa 01, diện tích 0,0633 ha;
- Đất nuôi trồng thủy sản(NTS): số thửa 499, diện tích 151,1 ha;
Diện tích đất công ích đang có hợp đồng thầu khoán, hợp đồng cho thuê đất: UBND cấp xã ký hợp đồng khoán thầu, cho thuê: tổng số 2.147 hợp đồng; với diện tích 210,6 ha. Thời gian khoán thầu, thuê đất: 5 năm. Từ năm 2019 đến nay, sau khi có kết luận Thanh tra Sở Tài nguyên và MT, hiện nay UBND các xã, thị trấn ký gia hạn cho thuê đất công ích 1 năm/lần.
Diện tích đất công ích có sổ sách theo dõi: 19/19 xã, thị trấn không có sổ sách theo dõi mà chỉ có hợp đồng khoán thầu.
Kết quả thu tiền khoán thầu, thuê đất 05 năm gần đây (từ 2017 đến hết năm 2021): Tổng số tiền thu cho thuê, giao khoán đất công ích 5 năm là 4.736,5 triệu đồng, cụ thể: năm 2017: 784,6 triệu đồng, 2018: 976,9 triệu đồng, 2019: 1.097 triệu đồng, 2020: 958,8 triệu đồng, 2021: 919,2 triệu đồng.
UBND huyện đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra, rà soát, chọn xã làm điểm về công tác rà soát, thống kê từng thửa đất công ích để có giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, đúng theo quy định. Việc kiểm tra hoàn thành trong tháng 12/2022; sau khi kết thúc đợt kiểm tra, UBND huyện ban hành thông báo kết luận và xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất công ích theo quy định.
IV. LĨNH VỰC VĂN HÓA & XÃ HỘI
1. Tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Các xã, thị trấn rà soát các đối tượng chưa được tiêm, tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tiêm vaccine đảm bảo độ bao phủ vaccine trên địa bàn.
UBND huyện đã ban hành và triển khai nghiêm túc Kế hoạch tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 và 12 – 17 tuổi, và những đối tượng người trên 50 tuổi. Lũy tích toàn huyện đến ngày 27/5/2022, số người tiêm 2 mũi vắc xin là 79.665 người đạt tỷ lệ 99,3%. Số mũi văcxin tiêm bổ sung/nhắc lại cho người cần tiêm là 61.288/61.029 liều đạt 100,4%. Số trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm hai mũi văcxin là 8150/8391 trẻ đạt tỷ lệ 97,1%. Số trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm 1 liều vắc xin là 3837/14.720 đạt tỷ lệ 26.1 %, số trẻ tiêm hai mũi là 1495/14.720 đạt tỷ lệ 10.2%.
2. Nâng cao công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân tại các Trạm y tế xã, đặc biệt là các xã sau sáp nhập.
UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm y tế hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn Trạm y tế các xã thực hiện tốt công tác khám chưa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là củng cố cơ sở hạ tầng trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các xã mới sáp nhập theo quyết định của UBND tỉnh. Thực hiện khai thác sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ có hiệu quả công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Số lượt khám chữa bệnh ban đầu tại các Trạm sau sáp nhập tăng 150% so với khi chưa sáp nhập.
3. Bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo để triển khai công tác dạy và học an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19 nhằm đảm bảo kế hoạch năm học 2021 - 2022. Phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Nội vụ tham mưu với UBND huyện đề nghị UBND tỉnh bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu của cả 3 cấp học để đảm bảo đủ giáo viên cho các trường học, phục vụ tốt công tác giảng dạy. Xem xét, bố trí nhân viên y tế học đường cho các trường học.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn các trường học thực hiện công tác dạy và học cụ thể với từng cấp độ dịch, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP. Đồng thời, tiến hành kiểm tra 02 đợt theo chuyên đề phòng chống Covid-19 trong trường học, tập huấn theo hình thức trực tuyến cho 482 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị về phòng, chống dịch COVID-19 khi dạy học trực tiếp; chỉ đạo các nhà trường thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT về các nội dung trước và sau khi học sinh trở lại trường, xử trí các trường hợp mắc COVID-19 theo 4 quy trình, đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch theo quy định. 100% các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch, kịch bản tình huống xử trí F0, F1 trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế; phối hợp với cha mẹ học sinh tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh trong thời gian ở trường, ở nhà. Chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền giáo viên, học sinh thực hiện tiêm phòng vacxin Covid-19. Tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện nhà trường và đối tượng học sinh. Chú trọng công tác tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp, đặc biệt là lớp 9; có giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1; 2 và lớp 6. Các trường MN, Nhóm trẻ tư thục căn cứ tình hình, điều kiện thực tế phối hợp với cha mẹ trẻ thống nhất phương án chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp, trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các trường học đã chủ động phối hợp với Trạm y tế xã, thị trấn ký hợp đồng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Chỉ đạo phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu của cả ba cấp học, đặc biệt là giáo viên Tin học Tiểu học, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp TH, THCS còn thiếu nhằm chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, song chưa được UBND tỉnh cho tuyển dụng.
4. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân duy trì nề nếp, thói quen luyện tập thể dục thể thao thường xuyên trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng VH-TT tham mưu ban hành Hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2022. Trong đó, chỉ đạo cơ sở bám sát hướng dẫn của UBND huyện, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ quần chúng lồng ghép những nội dung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đáp ứng, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối ổn định, các hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao được hoạt động trở lại, điển hình là các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, nhảy dân vũ, cầu lông… tại các khu dân cư. Vào các dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế lao động 01/5 và kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, các cơ quan, đơn vị và tại các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các giải thi đấu thể thao, khiêu vũ nhằm khích lệ và động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục rèn luyện thể dục thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
5. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban quản lý di tích được xếp hạng. UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ các di tích lịch sử. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá để tận dụng các nguồn lực bảo vệ di sản văn hóa của địa phương.
UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng VH-TT, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch, lễ hội và bảo vệ các di tích lịch sử, lồng ghép các thông điệp tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử trong các dịp lễ hội đầu xuân, giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng. Đôn đốc, hướng dẫn cơ sở lập hồ sơ và đẩy mạnh công tác xã hội hoá để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh chùa Thọ Khuê, di tích cấp quốc gia đình và đền Mạo Phổ; thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng các di tích lịch sử trên địa bàn nhằm bảo vệ, phát huy giá trị các di tích. Bên cạnh đó, trong quá trình tham mưu ra quyết định kiện toàn các Ban quản lý di tích, luôn nhấn mạnh vai trò của BQL: Quản lý toàn bộ diện tích và cảnh quan di tích; thực hiện các phương án phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến di tích, tổ chức tuyên truyền phát huy giá trị của di tích; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan; quản lý các nguồn thu theo đúng quy định hiện hành của nhà nước; xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và DL.
6. Giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tạo điều kiện cho nhân dân tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Yêu cầu UBND xã Chí Tiên và các xã có công trình xây dựng trái phép thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công an huyện tăng cường nắm bắt tình hình ở cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định của pháp luật.
UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo: Kịp thời ngăn chặn việc tự ý xây dựng đình Phương Lĩnh (xã Mạn Lạn); tiếp tục thành lập đoàn giải quyết tố cáo việc xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của công dân và vi phạm pháp luật trong việc vi phạm hành chính của cán bộ, công chức thuộc UBND xã Chí Tiên- Huyện Thanh Ba. Hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đang tiến hành xác minh, kiểm tra và sẽ báo cáo kết quả, đồng thời đề xuất các biện pháp giải quyết với UBND huyện trong tháng 8/2022.
7. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid 19. Có kế hoạch làm việc, kết nối với các doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ lao động nhằm đảm bảo chất lượng lao động.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH, các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát và tổng hợp số lượng người trở về tỉnh Phú Thọ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để triển khai rà soát nhu cầu tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để giải quyết việc làm và thực hiện hỗ trợ đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): Tổng số 54 người, số tiền: 29.500.000 đồng. Hỗ trợ 16 đối tượng người lao động ngừng việc do phải cách ly y tế; trong đó có 04 người lao động đang nuôi 06 con nhỏ (Dưới 6 tuổi); với số tiền hỗ trợ là: 22.000.000 đồng. Hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho người lao động là F1 cách ly tại cơ sở cách ly tập trung với 24 trường hợp với tổng số tiền là: 25.920.000 đồng. Hỗ trợ theo Quyết định 2658/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ cho 02 hộ kinh doanh: số tiền 6.000.000 đồng; Lao động tự do: 14 người, tổng số tiền được hỗ trợ: 11.550.000 đồng. Hỗ trợ các đối tượng theo Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ cho 02 đối tượng là hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền là 7.420.000đ.
8. Làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính Phủ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tránh sai sót. Chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm để phối hợp với ngành theo đúng tinh thần không trục lợi chính sách. Thực hiện khai thác nguồn lực để hỗ trợ kinh phí cho việc sửa chữa và xây mới nhà cho người có công (theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tập trung chăm lo cho người nghèo, người có công, gia đình chính sách dịp tết nguyên đán Nhân Dần năm 2022.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh thường xuyên thời điểm từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm.
UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình chính sách người có công có khó khăn về nhà ở báo cáo Ủy ban nhân dân huyện trình UBND tỉnh phê duyệt. Công tác thống kê, rà soát đối tượng và mức độ hư hỏng được tiến hành theo đúng quy trình, hướng dẫn, đảm bảo các tiêu chí đã đặt ra; quá trình thực hiện được tiến hành công khai, minh bạch nên không có đơn thư khiếu nại tố cáo về triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Mặc dù nguồn vốn từ Trung ương cấp chậm nhưng tỉnh đã chủ động bố trí nguồn vốn tạm ứng nguồn ngân sách của địa phương để tổ chức thực hiện. Kết quả đã hỗ trợ: 1.000 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở (trong đó: Xây mới 377 hộ, sửa chữa 623 hộ), với tổng số tiền: 27.540 triệu đồng.
Ngay từ cuối năm 2021, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công và dâng hoa Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện, nghĩa trang liệt sỹ tại các xã và Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh. tổ chức các Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà đại diện các gia đình người có công, đối tượng chính sách xã hội, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… vận động các tổ chức đoàn thể, Cơ quan, Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp sức chăm lo cho hộ nghèo, người già yếu, neo đơn… có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vui Tết - đón Xuân Nhâm Dần năm 2022 với 6.788 suất quà, tổng số tiền là 2.241.800.000 đồng.
V. LĨNH VỰC QUÂN SỰ - QUỐC PHÒNG
1. Giao BCHQS huyện trao tặng huân chương cho công dân Nguyễn Văn Thủy (khu 3 xã Đại An) và Nguyễn Minh Khôi (khu 6 xã Đại An) xong trong tháng 12/2021.
UBND huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức Trao tặng Huân chương và giải quyết chế độ cho ông Nguyễn Văn Thủy (khu 3 xã Đại An) và ông Nguyễn Minh Khôi (khu 6 xã Đại An) xong trong tháng 12/2021.
2. Tiếp tục theo dõi sát sao sức khỏe và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các tân binh, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ lễ giao nhận quân năm 2022 đảm bảo cả số lượng và chất lượng.
UBND huyện đã chỉ đạo BCHQS huyện theo dõi sát sao sức khoẻ, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 cho các tân binh, tổ chức tốt Lễ giao nhận quân năm 2022 đạt 100% kế hoạch, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn, giải trình chất vấn kỳ họp thứ Ba, HĐND huyện khóa XX nhiệm kỳ 2021 - 2026, kính trình HĐND huyện./.
Tải file công văn 168 tại đây