Lịch sử hình thành và phát triển
 

Thanh Ba là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, vùng đất thuộc nước Văn Lang cổ đại của các Vua Hùng, với những "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt". Dòng sông Thao như một dải lụa đào ôm lấy sườn tây Thanh Ba, miệt mài bồi đắp phù sa tạo nên những cánh đồng bát ngát hạ huyện, những bãi ngô, khoai xanh tốt ven bờ.

Thời Bắc thuộc, Thanh Ba thuộc quận Giao Chỉ, đến năm 939 khi Ngô Quyền xưng vương Thanh Ba thuộc đất Thừa Hóa (quận Phong Châu) tên huyện Thanh Ba ra đời vào thời Lý (khoảng 1084) thuộc châu Thao Giang, phủ Tam Giang. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, Thanh Ba thuộc phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây; lỵ sở lúc đầu đóng ở xã Chí Chủ, sau rời về xã Vũ Yển. Đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) rời về xã Hoàng Xá. Cả huyện khi đó có 09 tổng, 32 xã, phường là: Vĩnh Chân, Yên Kỳ, Thanh Cù, Hoàng Cương, Mạn Lạn, Ninh Dân, Phao Thanh, Lương Lỗ, Chí Chủ.

Cuối thế kỷ XIX, Thanh Ba có 8 tổng với 54 làng do thay đổi về hành chính (hai tổng Vĩnh Chân, Yên Kỳ và các xã Cổ Tùng, Vụ Cầu, Phùng Thượng, Tiên Châu, Thổ Khối của tổng Chí Chủ đưa sang huyện Hạ Hòa và nhận về từ huyện Sơn Vi hai tổng Hạ Mạo và Yên Lành).

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Nhà nước Việt Nam xóa bỏ cấp tổng, huyện Thanh Ba có 55 xã.

Sau nhiều lần sáp nhập và chia tách, từ ngày 30/12/1996 huyện Thanh Ba chính thức đi vào hoạt động và đến ngày 01/1/1997 trở thành huyện Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ với 27 xã, thị trấn, phân bổ thành 256 khu dân cư.

Thanh Ba qua quá trình thay đổi, song vẫn mang trong mình bản sắc văn hóa của các vùng đất Sơn Vi, Lâm Thao và Phù Ninh. Truyền thống đó đã tạo lập nên một Thanh Ba đa dạng, phong phú và giàu đẹp.