Giới thiệu xã Thanh Xá
Xã Thanh Xá thuộc vùng đồi gò trung du nằm ở phía Tây nam của huyện thanh Ba. Với chiều dài khoảng 3,5km; chiều rộng 2km; nơi hẹp nhất 1km.
Nhìn tổng thể trên bản đồ hành chính, xã Thanh Xá giống như con dao của người thợ xây, cán dao nằm ở phía Bắc giáp xã Phương Lĩnh và một phần xã Yên Nội; phía Nam giáp xã Hoàng cương, phía đông giáp xã Yên Nội và Chí tiên; phía Tây giáp xã Mạn Lạn và Hoàng Cương.
Diện tích đất tự nhiên: 606,65 ha, có 785 hộ với 2721 nhân khẩu, phân bố thành 5 khu dân cư.
Vốn nằm trong vùng dất cổ thuộc quốc gia Văn Lang, nhà nước của Vua Hùng nên theo các tài liệu còn lưu trữ được thì địa danh Thanh Xá xuất hiện tương đối. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, địa giới của xã ít có sự điều chỉnh nhưng về tên gọi có một số thay đổi. Cuối thế kỷ XIX Thanh Xá lúc đó gọi là làng Tinh Xá thuộc tổng Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây. Tháng 12 năm 1980, huyện Sông Lô giải thể, lập huyện Thanh Hòa gồm Thanh Ba và 23 xã của huyện Hạ Hòa. Thanh Xá thuộc huyện Thanh Hòa.
Ngày 7/10/1995, theo Nghị định 63/CP của Chính phủ, huyện Thanh Ba được tái lập trở lại, Thanh Xá là một trong 25 xã, thị trấn của huyện Thanh Ba tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1997 tỉnh Phú Thọ được tái lập, xã Thanh Xá vẫn thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Trước đây trên địa bàn xã Thanh Xá có nhiều Đình, đền, miếu như đình Đanh, đình Cả, đền Thông, đình Cóc, nghè Ao giang, miếu Nhà cảnh, chùa Chàm, chùa Thông,….Mỗi ngôi đình, đền, miếu ở Thanh Xá là một công trình nghệ thuật có giá trị được xây dựng cách đây hằng trăm năm. Trải qua thời gian và năm tháng, nhất là những năm dài chiến tranh, những ngôi đình, chùa miếu ở đây đã bị mưa nắng làm hư hỏng xuống cấp, một số ngôi đền chùa bị giặc pháp đốt cháy mất nên đến nay trên địa bàn toàn xã chỉ còn lại Đình cóc, đền Thông, chùa Thông, chùa Hưng Giác.
Những năm gần đây kinh tế có bước phát triển khá, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, số hộ mở rộng quy mô đàn vật nuôi ngày càng nhiều, ngành nghề, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 26 – 28 tỷ đồng, bình quân lương thực 345kg/người/năm, bình quân thu nhập 18,2 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách 2,7 - 3 tỷ đồng. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư nâng cấp dần đáp ứng cho phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân. Văn hóa xã hội phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.