Giới thiệu xã Thái Ninh
Thái Ninh là một xã miền núi nằm ở phía Đông của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện lỵ 3 km về phía Tây Bắc. Nhìn về bản đồ hành chính huyện Thanh Ba, xã Thái Ninh như một hình tứ giác, phía Đông giáp xã Đại An , phía Tây giáp xã Ninh Dân, phía Nam giáp xã Quảng Nạp, phía Bắc giáp xã Đông Lĩnh và thị trấn Thanh Ba.

Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 730,76 ha, trong đó đất Nông nghiệp có 375,88 ha, chiếm %, đất lâm nghiệp có 252,39 ha, chiếm %, đất chuyên dùng có 44,45 ha, chiếm .... %, đất ở có 27,58 ha và đất chưa sử dụng có 9,01 ha, chiếm ...%.

Địa hình ở Thái Ninh thuộc vùng đồi núi thấp, thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, xen lẫn là những thửa ruộng thấp ở các chân đồi. Thành phần đất ở những quả đồi, gò này chủ yếu là đất ferarit có lẫn đá, sỏi cuội, thích hợp trồng các loại cây dài ngày như chè, cọ, một số cây ăn quả và cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn, tre, nứa....

Về dân số, tính đến hết tháng 10 năm 2018 xã Thái Ninh có 799 hộ với 2830 người, phân bố ở 07 khu dân cư.

Nằm trong vùng đất cổ của Vua Hùng, nên ở Thái Ninh luôn lưu giữ được đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú. Khoảng năm 1990, chùa Thái Ninh được nhân dân trong xã xây dựng ở xóm chợ và sau này xây dựng tiếp chùa trên gò Chùa. Đình thờ thần Thành hoàng làng được xây ở xóm Làng trên gò Đình. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, nên ở Thái Ninh chỉ còn lại một ngôi chùa mới được tôn tạo lại lấy tên là chùa Khánh Long.

Nhân dân xã Thái Ninh sống chủ yếu bằng nghề Nông nghiệp trồng lúa , trồng cây chè, cọ và chăn nuôi. Tuy nhiên, trong xã cũng hình thành một số ngành nghề thủ công nghiệp, thu hút khá đông nguồn lao động, đó là một số xưởng sao tẩm chè, doanh nghiệp chế biến chè, nghề mộc.... Những năm gần đây, nhờ chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, một bộ phận không nhỏ nhân dân trong xã kết hợp làm ruộng, trồng cây chè và hoạt động thủ công nghiệp – dịch vụ nên đã đem lại thu nhập khá.

Trước kia đường giao thông trong xã chỉ là những con đường mòn quanh chân đồi, qua những cánh đồng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, với phương châm: “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đường giao thông liên thôn, liên xã được mở rộng, bê tông hóa, nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán giữa địa phương và các xã lân cận trong huyện.