Giới thiệu xã Mạn Lạn

1. Vị trí địa lý
Mạn Lạn là một xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Thanh Ba. Phía Đông giáp xã Thanh Xá, phía Bắc giáp xã Phương Lĩnh, phía Nam giáp xã Hoàng Cương và phía Tây là sông Hồng.
Với diện tích tự nhiên 554,10 ha, dân số 3.828 khẩu/ 1.122 hộ được phân bố đều trên 9 khu dân cư hành chính, thành phần dân tộc trên địa bàn xã chủ yếu là người kinh chiếm 97,2 %, còn lại khoảng 2,8 % là dân tộc thiểu số gồm các dân tộc Dao, Nùng, Thái…Xã có trục đường giao thông nông thôn thuận lợi, các tuyến đường liên xóm được cứng hóa, hệ thống kênh, mương nội đồng xây dựng đảm bảo cho việc đi lại và phục vụ sản xuất của nhân dân. Trên địa bàn xã ngoài hệ thống đường liên thôn, liên xã còn có hệ thống đường đê 320, đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại của nhân dân và giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội với các địa phương khác trong và ngoài Tỉnh.
Xã có 1 Đảng bộ, 13 chi bộ, trong đó có 9 chi bộ ở khu dân cư, 4 chi bộ sự nghiệp với 202 Đảng viên.
Địa hình của xã chủ yếu là đồi gò và đất bãi ven sông, người dân sống thuần bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, đời sống kinh tế của nhân dân địa phương được cải thiện và nâng lên. 

2. Những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội
Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, . Vận động nhân dân phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nâng cao năng suất, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của xã là 5%. Giá trị ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 40%. tỷ trọng, giá trị ngành nghề dịch vụ chiếm 43% tỷ trọng. Giá trị ngành công nghiệp xây dựng chiếm 17% tỷ trọng. Bình quân thu nhập đầu người đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.

Về văn hóa – xã hội, số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đều đạt trên 75%. Tỷ lệ tăng theo từng năm do người dân ngày càng nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc. Cả 9 khu dân cư nhiều năm đều giữ vững danh hiệu văn hóa. Trong đó khu dân cư số 3 và khu dân cư số 9 giữ vững danh hiệu văn hóa cấp Tỉnh, các khu dân cư số 1, số 2, số 4, số 5, số 6, số 7, số 8 giữ vững danh hiệu văn hóa cấp Huyện.

Trên địa bàn xã có 3 cấp trường: Mầm non, Tiểu học và THCS. Trong đó trường mần non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia năm 2017. Trường THCS đang được xây dựng và hoàn thiện để phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới.
Trạm y tế xã là nơi tập trung khám chữa bệnh cho nhân dân trong toàn xã, trong năm 2017 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đổi mới; Quy chế dân chủ được mở rộng; bộ máy chính quyền được kiện toàn, củng cố, hoạt động hiệu quả; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc.